Bệnh "Amip ăn não" Naegleria fowleri

N. Fowleri có thể xâm nhập và tấn công hệ thống thần kinh của con người. Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra[4] nhưng những trường hợp nhiễm trùng như vậy gần như luôn luôn gây tử vong cho nạn nhân[5]. Nếu bị nhiễm, nạn nhân chắc chắn sẽ bị viêm màng não[3]. Tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 98%.[6] Chúng xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não. Điều nguy hiểm là Amip này có thể vượt qua mọi khâu lọc khử trùng, nhiễm vào hệ thống nước sinh hoạt của các gia đình. May mắn, Amip này không gây bệnh thông qua uống nước, trừ khi súc miệng mà nước nhiễm Amip xộc lên mũi. Amip Naegleria Fowleri sẽ sinh sôi rất nhanh, sau đó di chuyển lên não. Sau đó nó sẽ bắt đầu ăn các nơ-ron thần kinh, gây đau đầu khủng khiếp, sốt cao, ảo giác và thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi. Các nhà khoa học mô tả loại Amip này gây tử vong nhanh đến nỗi rất khó nghiên cứu chúng tại phòng thí nghiệm[3].

Vòng đời của "N. Fowleri "và các Amip sống tự do khác.

Các bác sĩ M. Fowler và R. F. Carter đã lần đầu mô tả bệnh ở người gây ra bởi amebo-flagellates ở Úc vào năm 1965.[7]

Năm 1966, ông Fowler đặt tên cho loại Amip này là "Naegleria Fowleri". Cho đến nay, khoảng 150 ca bệnh đã được xác định trong nhiều quốc gia và chỉ có một ca được cứu sống vào năm 1978.

Triệu chứng

Sau khi nhiễm "Amip ăn não người" 1-14 ngày, các triệu chứng khởi đầu của bệnh sẽ xuất hiện: nhức đầu, buồn nôn, sốt, cứng cổ, xuất hiện ảo giác, thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi. Các triệu chứng thứ phát có thể đi kèm như: lú lẫn, u ám, thiếu tập trung, cơn co giật. Sau đó, bệnh diễn tiến nhanh chóng và nguy cơ tử vong rất cao, thường xảy ra từ 7 đến 14 ngày sau khi mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu này dễ nhầm với viêm não do vi khuẩn hoặc vi rút nên việc chẩn đoán rất khó khăn.

Các quốc gia từng ghi nhận các ca bệnh

  • Mỹ: Giai đoạn năm 1937-2007 có 121 nạn nhân tử vong. Riêng từ năm 2001-2011 đã có 35 ca tử vong được báo cáo; trong đó đến 32 ca tiếp xúc với nguồn nước ở khu vui chơi giải trí.
  • New Zealand: Năm 1968-1978 có 8 trường hợp tử vong sau khi các nạn nhân bơi trong một hồ nước ấm ở khu vực Waikato.
  • Anh quốc: năm 1979, một bé gái bơi trong một hồ tắm La Mã ở thành phố Bath và năm ngày sau đó thì tử vong. Qua xét nghiệm, người ta thấy nước trong hồ có nhiễm Naegleria fowleri và từ đó hồ này bị đóng cửa.
  • Pakistan: 2 bệnh nhân nam 39 tuổi và 54 tuổi tử vong vào năm 2010.
  • Tiệp Khắc (cũ): năm 1962-1965 ghi nhận 16 người tử vong vì viêm não - màng não cấp sau khi tắm ở một hồ bơi trong nhà.
  • Việt Nam: tháng 7 năm 2012, một thanh niên quê ở Phú Yên đã lặn để bắt trai ở một hồ lớn gần nhà. Sau đó, anh ta quay trở lại TP HCM để sinh sống và bị phát bệnh viêm não do nhiễm Amip ăn não.[8]. Ngày 19 tháng 9 năm 2012, một bệnh nhi 6 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh đã nhiễm Amip này.